Phần 1: Nghiên cứu thị trường
Phần 2: Quản lý tài chính khách sạn
1. Thuê một kế toán.
Ngay cả khi mở khách sạn vì đó là giấc mơ hằng ao ước của mình, bạn vẫn phải nhớ rằng đó là sự đầu tư tài chính. Trừ khi khách sạn quá nhỏ, hoặc bạn được đào tạo chuyên ngành kế toán, thông thường bạn cần một kế toán để giúp quản lý tài chính. Tất cả các khách sạn, dù là nhỏ, cũng đều có các chi phí cần tính đến như lương nhân viên, chi phí tiện ích, tiền thuê mặt bằng, chi phí cho các thiết bị và tiền thuế. Nhân viên kế toán sẽ giúp bạn theo dõi những tính toán phức tạp trong việc quản lý tài chính khách sạn và đảm bảo an toàn cho tương lai tài chính của bạn. Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ Hoa Kỳ khuyến nghị các bước sau để tìm một kế toán viên.
- Bạn có thể hỏi một số chủ doanh nghiệp nhỏ ở địa phương để biết kế toán của họ là ai và họ có hài lòng với công việc của nhân viên đó không. Bạn cũng có thể chú ý các sự kiện giới thiệu mạng lưới tuyển dụng dành cho các chủ doanh nghiệp nhỏ do phòng thương mại địa phương tổ chức, nơi mà bạn có thể kết nối với các kế toán viên tiềm năng.
- Sắp xếp cuộc hẹn với các ứng viên. Hầu hết các kế toán viên đều chấp nhận một cuộc gặp miễn phí với khách hàng tiềm năng để giới thiệu bản thân. Khi đã thu thập được một danh sách các ứng viên, bạn hãy hẹn gặp để thảo luận về kinh nghiệm cũng như trình độ của họ và xác định xem họ có phù hợp với công việc kinh doanh của bạn không.
- Tìm hiểu xem họ có kinh nghiệm làm việc trong ngành khách sạn không. Khách sạn là ngành kinh doanh đặc biệt đòi hỏi kiến thức đặc thù. Sẽ là lý tưởng nếu ứng viên của bạn đã từng làm việc trong khách sạn, tốt nhất là khách sạn tư nhân. Điều này sẽ đảm bảo rằng người đó có kinh nghiệm trong các tình huống mà bạn có thể gặp phải.
- Xác định độ tin cậy của ứng viên. Ngoài kinh nghiệm của ứng viên, bạn cũng cần một nhân viên có thể làm việc lâu dài. Nếu người đó đến muộn, không gọi điện lại hoặc làm việc cẩu thả thì dù có nhiều kinh nghiệm, anh ta cũng không phải là cộng sự tốt của bạn. Hãy nhớ rằng bạn đang cố gắng tạo dựng một mối quan hệ tốt với một cộng sự có thể giúp bạn phát triển doanh nghiệp.
2. Lập bản kế hoạch kinh doanh.
Khi mở khách sạn, thông thường bạn cần lấy vốn từ ngân hàng hoặc huy động các nhà đầu tư tư nhân. Cả hai nơi này đều muốn xem bản kế hoạch kinh doanh của bạn để quyết định liệu có xứng đáng để đầu tư không. Ngoài ra, một bản kế hoạch kinh doanh tốt cũng giúp ích cho bạn trong việc sắp xếp các mục tiêu và có được bức tranh tổng thể về cách thức giúp cho việc kinh doanh thành công. Kế hoạch kinh doanh khách sạn cần có ít nhất những điểm sau đây.
- Các dịch vụ mà khách sạn cung cấp. Bạn cần nêu ra những điểm cho thấy các dịch vụ đó sẽ giúp khách sạn của bạn nổi bật hơn các khách sạn khác ra sao. Giá cho thuê phòng của bạn có tốt hơn không? Bạn có cung cấp nhiều dịch vụ cá nhân hơn không? Các nhà đầu tư sẽ muốn biết điều gì khiến khách sạn của bạn trở nên độc đáo.
- Khách hàng tiềm năng. Diễn giải đối tượng phục vụ của bạn, và lý do tại sao họ chọn khách sạn của bạn thay vì các khách sạn khác.
- Khả năng thu nhập trong tương lai. Các nhà đầu tư sẽ muốn thấy khách sạn của bạn có lợi nhuận. Với sự giúp đỡ của nhân viên kế toán, bạn cần tính toán xem thu nhập hàng năm của bạn có thể là bao nhiêu. Ngoài ra bạn cũng cần ước tính phải mất thời gian là bao lâu trước khi bắt đầu có lợi nhuận và vị thế của khách sạn trong những năm tiếp theo.
- Bảng phân tích chi phí toàn diện. Với việc mua hoặc thuê mặt bằng, sửa chữa và trang bị nội thất, bạn sẽ phải tốn nhiều chi phí để bắt đầu kinh doanh khách sạn nhỏ. Bạn cần nêu ra càng chính xác càng tốt về ước tính tổng chi phí khi đề nghị vay vốn. Bạn cũng phải kèm bản ước tính chi tiết các chi phí hoạt động hàng ngày. Có thể khách sạn của bạn phải mất nhiều tháng mới bắt đầu thu hút đủ khách để bù đắp được chi phí, vì vậy bạn cần tiền để có thể hoạt động trong suốt thời gian đó.
3. Tìm vốn khởi nghiệp.
Khi đã lập kế hoạch kinh doanh, bạn hãy trình bày với các nhà đầu tư tiềm năng. Với một bản kế hoạch tốt, bạn sẽ có thể chứng minh rằng khách sạn của bạn có khả năng sinh lợi nhuận, từ đó sẽ thuyết phục các nhà đầu tư góp số tiền mà bạn cần. Bạn có hai lựa chọn để huy động vốn, thông thường là kết hợp cả hai lựa chọn.
- Ngân hàng. Bạn có thể vay tiền ngân hàng với thời hạn vài tháng hoặc vài năm, tùy vào hình thức vay. Điều này có thể giúp bạn trang trải các chi phí mở khách sạn và chi phí hoạt động trong vài tháng đầu.
- Các nhà đầu tư cá nhân. Họ có thể là bạn bè, gia đình hoặc các chủ doanh nghiệp khác quan tâm đến việc đầu tư. Đảm bảo xác định rõ với các nhà đầu tư rằng hoặc là họ cho bạn vay vốn và sau đó bạn sẽ trả lại kèm với lãi suất, hoặc là họ thực sự đầu tư vào doanh nghiệp của bạn. Bạn có thể lập bản thỏa thuận nêu rõ các điều khoản và đem đi công chứng để đề phòng các vấn đề phát sinh sau này.
4. Đặt mức giá.
Khi bạn mở khách sạn, giá cả dịch vụ sẽ quyết định mức lợi nhuận. Giá cho thuê phòng sẽ thay đổi tùy thuộc vào tình hình cạnh tranh trong vùng, chi phí hoạt động của khách sạn, mùa du lịch, và vô số các yếu tố khác. Nguyên tắc chung là định ra mức giá đủ thấp để thu hút khách và đủ cao để có lợi nhuận. Có một số việc bạn cần ghi nhớ khi quyết định mức giá.
- Biết các chi phí của bạn. Bạn nên tính toán chính xác chi phí hoạt động hàng ngày của khách sạn. Sau đó nhân lên để biết chi phí mỗi tháng là bao nhiêu. Thu nhập của bạn ít nhất cũng phải đủ bù đắp cho chi phí hoạt động hàng tháng của khách sạn, bằng không bạn sẽ không có khả năng duy trì công việc kinh doanh.
- Tìm hiểu xem điều gì khiến khách hàng sẵn sàng móc hầu bao. Việc này đòi hỏi phải có thời gian thử nghiệm. Khi bắt đầu mở khách sạn, có lẽ bạn chỉ dựa vào hướng dẫn duy nhất là chi phí hoạt động. Sau vài tháng, nếu bạn nhận thấy các phòng liên tục đầy khách, bạn có thể tăng giá phòng. Nếu thấy ít khách, bạn hãy hạ giá phòng. Bạn cũng có thể khảo sát các khách hàng sau khi họ nghỉ lại và hỏi xem họ thấy giá phòng như vậy là có hợp lý không.
- Điều chỉnh giá tùy theo mùa. Trong mùa đông khách, bạn có thể nâng giá cao hơn vì có nhiều người đi nghỉ. Mùa vắng khách hơn, bạn nên hạ giá để thu hút các khách hàng đi nghỉ trái mùa.
5. Cắt giảm chi phí nếu cần.
Ngay cả khi được quản lý tài chính tốt, việc kinh doanh khách sạn nhỏ của bạn cũng sẽ có lúc chậm lại. Bạn nên thường xuyên phân tích chi phí và quyết định những khoản nào là cần thiết và những khoản nào không ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Khi việc kinh doanh chậm lại, bạn hãy cắt bớt những chi phí không cần thiết. Ví dụ, trong tuần vắng khách và chỉ có vài phòng được đặt, có lẽ bạn không cần thuê người đứng ở bàn tiếp tân cả ngày. Bạn có thể tự làm nhiệm vụ này và tiết kiệm số tiền lương trả cho nhân viên tiếp tân.
———————
MIZULAND – Mua bán/cho thuê khách sạn, nhà đất Đà Nẵng
Tel: 09.1986.1900/ 0889.899.444
Add1: Tầng 10, Vĩnh Trung Plaza, Đà Nẵng
Add2: 97 Phan Châu Trinh, Đà Nẵng